Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

VIẾT SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM VÀ LÀM ĐỒ DÙNG DẠY HỌC DỰ THI… HIỆU QUẢ TỚI ĐÂU?

Đã là giáo viên thì không ai mà xa lạ gì với viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) làm làm đồ dùng dạy học (ĐDDH) dự thi. Không làm sẽ không có danh hiệu thi đua, không được tham gia giáo viên dạy giỏi và đối mặt với nguy cơ điều động công tác vì thành tích thi đua kém cỏi…



Sao chép, đối phó, bệnh thành tích
Đa phần giáo viên viết SKKN theo kiểu sao chép với 2 hình thức: sưu tầm trên mạng internet rồi chỉnh sửa lại, mượn SKKN của giáo viên huyện khác sau đó chỉnh sửa lại cho phù hợp.
Với tần suất mỗi năm 1 SKKN và 1 ĐDDH để dự thi thì lấy đâu ra ý tưởng hay sáng kiến để viết, bí đề tài nên không còn cách nào khác là phải sao chép với mục đích chính là tham gia theo phong trào để được thành tích cao khi xét thi đua cuối năm học hơn là áp dụng những “sáng kiến” đó vào bài dạy.
Với một giáo viên giảng dạy mấy chục năm còn tìm không ra một vài sáng kiến ra hồn thì những giáo viên trẻ với dăm bảy năm nghề thì lấy đâu ra “kinh nghiệm”? Ấy vậy mà khi nhìn vào những con số SKKN đoạt giải thì ai cũng phải giật mình, hơn ¼ bài có giải là của những giáo viên trẻ, mỗi năm đều có một sáng kiến hiệu quả. Quả thật “tuổi trẻ tài cao”, những giáo viên đã lớn tuổi bắt đầu “tụt hậu” không phải ở kiến thức, kỹ năng giảng dạy mà chính là khả năng sử dụng máy tính, truy cập internet để tìm kiếm thông tin và… sao chép, xào nấu, chế biến như nấu ăn vậy!

Lý thuyết suông, thiếu thực tế và không có chất lượng
Nhìn vào những đề tài mà giáo viên chọn để viết SKKN hay làm ĐDDH dự thi ai cũng phải trầm trồ “cao siêu quá”! “Phương pháp giảng dạy tiếng Anh đạt hiệu quả”, “Biện pháp hạn chế học sinh lưu ban bỏ học đạt hiệu quả cao”, “Thủ thuật rèn luyện học sinh yếu kém”, “Ứng dụng vẽ sơ đồ tư duy vào môn âm nhạc ở bậc THCS”… Lý thuyết là vậy, thực tế đã áp dụng và thành công với đề tài của mình chưa thì “trời biết”! Tôi chắc chắn rằng những ai bám sát sườn chuẩn, tuân thủ theo thang chấm điểm, viết mạch lạc, hùng hồn một chút thì ít nhất cũng là giải B hoặc C.
Trong SKKN có phần “kết quả đạt được” gồm bảng thông số kết quả của 2 năm học liền kề sau khi áp dụng SKKN vào thực tiễn. Ai chắc chắn rằng bảng số liệu đó là chính xác, hầu như chỉ là con số ảo. Giáo khảo không có cơ sở xác định tỉ lệ và những con số trong bảng báo cáo là thực hay ảo, chỉ cần xem bài viết có khả năng áp dụng, vấn đề nêu ra là thực tế, cần thiết, bám sát chủ trương của ngành, khả năng diễn đạt có tính thuyết phục là đạt giải…
Ngành cũng có quy định cấm sao chép nhưng khả năng phát hiện bài dự thi sao chép là không cao. Giám khảo là cán bộ chủ chốt, khi ôm cả núi công việc và tiền chấm 1 bài SKKN hay 1 ĐDDH cũng “không tệ” nên còn châm chế khi quy định không nói rõ sao chép 100%, 50% hay một phần thì loại bỏ nên có thể “lách” được.
Làm ĐDDH rất tốn thời gian và tiền bạc, với bảng thuyết minh tóm tắt, thuyết minh chi tiết giáo viên cần đầu tư và có tài thuyết trình siêu hạn. Để viết một bảng thuyết minh chi tiết giáo viên còn đau đầu hơn viết SKKN nhiều lần. Muốn có một ĐDDH đẹp, dễ làm, rẻ tiền, hiệu quả cao, dể sử dụng, áp dụng được rộng rãi trong ngành là điều mà mấy ai làm được. Giáo viên tự làm ĐDDH khi thiếu thiết bị dạy học, không có điều kiện áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy đa phần chỉ xuất hiện ở vùng cao, vùng xa. Giáo viên tận dụng mọi vật dụng sẳn có để làm ĐDDH thị phạm cho học sinh dễ hình dung, dễ tiếp thu bài. Giáo viên ở đồng bằng, thành thị chỉ cần máy tính xách tay, máy chiếu (hoặc tivi màn ảnh rộng) tất cả những gì cần thiết trong bài học đều được đáp ứng, sẵn đó hưởng ứng luôn việc áp dụng CNTT vào giảng dạy theo chủ trương của ngành và có cái để điền vào báo cáo số tiết dạy CNTT mỗi học kỳ.

Kể từ khi phát động phong trào viết SKKN, làm ĐDDH dự thi đến nay tôi chẳng thấy bất cứ một SKKN hay ĐDDH đạt giải A cấp huyện, cấp tỉnh nào được công bố và đưa vào áp dụng trong ngành giáo dục cả. Đây là chủ trương để giáo viên cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy hay chỉ là sân chơi để giáo viên thi thố khả năng hùng biện, viết lách để xét thi đua là điều mà những nhà lãnh đạo ngành giáo dục cần phải xem lại.

2 nhận xét: