Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Sơ lược Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Nguyễn Khải

Nhà văn Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải (sinh ngày 3/12/1930 tại Hà Nội, mất ngày15/1/2008 tại Bệnh viện 115 TP HCM). Quê nội ông ở phố Hàng Than, thành phố NamĐịnh; quê ngoại: xã Hiếu Nam, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Năm 1946 lúc 16 tuổi ông tham gia kháng chiến ở Hưng Yên. Năm 1948, ông làm y tá, đồng thời có viết bài cho tờ Dân quân Hưng Yên. Năm 1949, ông làm phóng viên cho tờ báo này. Cuối năm 1950, ông tham dự lớp Nghiên cứu Văn nghệ tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1951, ông được cử đi dự trại viết của hai chi hội Văn nghệ Liên khu 3 và Liên khu 4. Năm 1956, ông được chuyển về tờ Sinh hoạt văn nghệ của Tổng cục Chính trị (tiền thân của tạp chí Văn nghệ Quân đội).
Năm 1957, Nguyễn Khải là hội viên sáng lập Hội Nhà văn VN. Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam rồi Ủy viên Ban Thường trực Hội Nhà văn VN các khóa II, III và là Phó tổng thư ký khóa III. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VII.
Sau năm 1975, Nguyễn Khải vào sống ở TP HCM. Năm 1982, ông nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Gặp gỡ cuối năm”. Năm 1988 ông rời quân đội, chuyển về Hội Nhà văn Việt Nam với quân hàm đại tá. Năm 2000, nhận Giải thưởng Văn học ASEAN, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II cho chùm tác phẩm "Gặp gỡ cuối năm", "Xung đột", "Cha và con và...". Nhà văn Nguyễn Khải cũng từng nhận được giải thưởng "Cây bút vàng" của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an với truyện ngắn "Đàn bà".
Nguyễn Khải sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch. Trong đó, Nguyễn Khải để dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Xung đột (truyện, 2 phần 1959-1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Thời gian của người (tiểu thuyết, 1985), Một người Hà Nội (tập truyện ngắn, 1990)... Tác phẩm gần nhất của Nguyễn Khải là tiểu thuyết Thượng đế thì cười (2003), hồi ký về cuộc đời viết lách của ông. Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải:
·         Mùa xuân ở Chương - Mỹ (1954)
·         Người con gái quang vinh (1956)
·         Xung đột (truyện, 1959)
·         Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960)
·         Hãy đi xa hơn nữa (truyện vừa, 1963)
·         Người trở về (tập truyện vừa, 1964)
·         Họ sống và chiến đấu (ký sự, 1966)
·         Hoà - Vang (bút ký, 1967)
·         Đường trong mây (tiểu thuyết, 1970)
·         Ra đảo (1970)
·         Chủ tịch huyện (truyện, 1972)
·         Chiến sĩ (tiểu thuyết, 1973)
·         Tháng ba Tây nguyên (ký, 1976)
·         Cách mạng (kịch, 1978)
·         Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, 1982)
·         Thời gian của người (1985)
·         Điều tra về một cái chết (tiểu thuyết, 1986)
·         Vòng sống đến vô cùng (truyện, 1987)
·         Một cõi nhân gian bé tí (tiểu thuyết, 1989)
·         Một người Hà Nội (tập truyện ngắn, 1990)
·         Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu (tập truyện vừa, 1993)
·         Một thời gió bụi (truyện ngắn, 1993)
·         Hà Nội trong mắt tôi (tập truyện ngắn, 1995)
·         Chút phấn của đời (truyện ngắn và kịch, 1999)
·         Chuyện nghề (1999)
·         Nắng chiều (tập truyện ngắn, 2001)
·         Hãy đi xa hơn nữa (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2002)
·         Mẹ và các con (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2002)
·         Sống ở đời (tập truyện, 2003)
·         Ký sự & Kịch (2003)
·         Thượng đế thì cười (tiểu thuyết, 2003)
·         Nghề văn cũng lắm công phu (truyện - tạp văn, 2003)
·         Vòng tròn trống rỗng (kịch, 2003)
·         Một chặng đường (tiểu thuyết, 2005)
·         Đi tìm cái tôi đã mất (tùy bút, 2006)
Một số tác phẩm tiêu biểu khác: Ước gì tôi được trẻ lại, Tự bạch, Người ngu, Người mơ mộng, Nếp Nhà, Má Hồng, Đời khổ, Đất Mỏ, Đàn ông, Đàn bà, Đã từng có ngày vui, Chị Mai, Cái thời lãng mạn, Buổi sớm mai, Bố con, Bảy đô một đêm, Bắt đầu từ một câu nói, Bạn viết cũ, Anh Thanh Tịnh, Đứa con nuôi,...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét