Sau môn Thể dục, Âm nhạc, môn Mĩ thuật được đưa vào chương trình học chính khóa là một quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên, không chỉ riêng phụ huynh học sinh, bản thân học sinh, mà ngay cả chính các giáo viên bộ môn khác vẫn có cách nghĩ đơn giản học mĩ thuật là học vẽ, học âm nhạc là học đàn, học hát và cần phải có năng khiếu mới học được. Điều đáng nói là 3 "môn học năng khiếu" theo quan điểm và chỉ đạo của ngành là "không được để học sinh thi lại, ở lại lớp những môn này", điều này đã dẫn đến một hệ lụy là đa số học sinh không quan tâm, không chịu học. Quan điểm của ngành đúng nhưng quá cứng nhắc làm 3 môn học này bị xem nhẹ, học sinh không vẽ bài, không học hành gì cả vẫn được đánh giá "Đạt" (ở đây tôi không đề cập nhiều đến vấn đề này - đó không phải là việc của cá nhân).
Học mĩ thuật không chỉ đơn thuần là dạy học sinh cách vẽ tranh. Ai cũng muốn mọi thứ phải đẹp, quần áo mặc vào phải đẹp, phải phù hợp với vóc dáng, lứa tuổi của mình nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Khi xây nhà mới cho mình thì ai cũng muốn màu sắc đẹp, kiểu dáng đẹp, bố trí đồ đạc trong nhà hài hòa, bắt mắt nhưng không biết phải làm sao cho đúng với ý muốn. Tất cả mọi vấn đề trên mĩ thuật sẽ phục vụ cho bạn (dĩ nhiên bạn phải có đủ tiền để mua sắm cho mình). Ứng dụng thực tế của môn mĩ thuật trong cuộc sống rất nhiều, mọi người đều đã một lần, nhiều lần ứng dụng mĩ thuật vào đời sống hàng ngày nhưng ít ai hiểu và để ý tới nó. Khi am hiểu căn bản về màu sắc, bố cục, bạn sẽ có sự lựa chọn hợp lý cho mình. Muốn vậy bạn phải có kiến thức về mĩ thuật, phải học mĩ thuật. Ở một khía cạnh khác, môn mĩ thuật còn giúp bạn tìm hiểu về các công trình kiến trúc trong và ngoài nước; Biết cách xem, phân tích, đánh giá khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nào đó, ví dụ như một pho tượng, một bức tranh chẳng hạn.
Việc dạy và học âm nhạc không chỉ có học đàn, hát. Ít ra khi thưởng thức một giai điệu du dương nào đó bạn cũng biết được nó thuộc thể loại nhạc gì, ai sáng tác. Bạn thích cải lương ư? Nó bắt nguồn từ đâu? Ở đâu người ta mê cải lương, ở đâu người ta mê hát chèo? Bạn nghe con mình nói Phương Mỹ Chi hát dân ca ngọt lắm và bạn cũng thích nghe, vậy dân ca là gì? Bạn muốn con mình làm ca sĩ và nghe nói phải học nhạc lý, học thanh nhạc nhưng không biết là học những gì? Tất cả những câu hỏi trên khi học môn Âm nhạc bạn sẽ hiểu được. Âm nhạc gắn liền với đời sống của mọi người. Đám cưới cũng phát nhạc, nghe nhạc; Đám ma cũng có nhạc, có kèn, có trống; Tổ chức thôi nôi, sinh nhật cũng thuê dàn karaoke, dàn nhạc sống về hát cho rền rang. Xung quanh bạn đâu đâu cũng có nhạc, từ quán xá, công sở, trường học, cứ đến thời điểm cần là phải có nhạc. Thời chiến hay thời bình đều có âm nhạc và trong một bộ phim nổi tiếng thì cũng phải có một bài hát, một giai điệu làm chủ điểm, làm nền phù hợp với nội dung. Thậm chí thai nhi trong bụng mẹ còn được nghe nhạc Bét-tô-ven (Beethoven), Mô-da (Mozart) để phát triển trí thông minh hay như anh Nguyễn Duy Thiên Ân ở Trảng bom Đồng Nai cho gà nghe nhạc giao hưởng để chúng đẻ nhiều hơn và tăng hàm lượng Omega-3 trong trứng.
Mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều cha mẹ, ông bà đều chạy bộ, tập dưỡng sinh; Nhưng tập thế nào cho đúng và có tác dụng? Tập đưỡng sinh phải có người hướng dẫn thao tác, khi chạy bộ bạn phải biết "động tác khởi động", khi dừng chạy bạn phải biết đi bộ từ từ rồi mới ngồi nghỉ. Những điều như thế bạn cũng đã học từ môn thể dục. Học thể dục không phải để chơi thể thao chuyên nghiệp, để đạt thành tích cao bạn phải có năng khiếu và sự khổ luyện. Đơn giản, chơi thể thao để giải trí, tham gia phong trào, rèn luyện sức khỏe, sức bền, độ dẻo dai của cơ thể, có sức khỏe tốt bạn mới có thể làm việc đạt hiệu quả.
Khi học tốt những môn học khác và kết hợp với 3 môn học trên bạn đã rèn luyện cho mình được "đức-trí- thể- mĩ" vốn là điều mà bất kì ai trên thế giới này đều muốn đạt được. Hãy dẹp bỏ quan niệm sai lầm khi học 3 môn năng khiếu này. Ai có năng khiếu thì có thể vẽ đẹp, hát hay, đàn giỏi, chơi thể thao chuyên nghiệp; Làm họa sĩ, ca sĩ, nhạc công, nhạc sĩ, vận động viên, huấn luyện viên... thì quá tuyệt vời. Không có năng khiếu ư? Hãy xem việc học nó như một trò giải trí, một công cụ hỗ trợ vốn hiểu biết, vốn sống của bạn. Đó là công cụ giảm stress tuyệt vời, tôi dám chắc với bạn rằng trong cuộc sống không bao giờ bạn sống mà thiếu nó, chẳng qua bạn không biết hay không chịu thừa nhận đó thôi.
Khi học tốt những môn học khác và kết hợp với 3 môn học trên bạn đã rèn luyện cho mình được "đức-trí- thể- mĩ" vốn là điều mà bất kì ai trên thế giới này đều muốn đạt được. Hãy dẹp bỏ quan niệm sai lầm khi học 3 môn năng khiếu này. Ai có năng khiếu thì có thể vẽ đẹp, hát hay, đàn giỏi, chơi thể thao chuyên nghiệp; Làm họa sĩ, ca sĩ, nhạc công, nhạc sĩ, vận động viên, huấn luyện viên... thì quá tuyệt vời. Không có năng khiếu ư? Hãy xem việc học nó như một trò giải trí, một công cụ hỗ trợ vốn hiểu biết, vốn sống của bạn. Đó là công cụ giảm stress tuyệt vời, tôi dám chắc với bạn rằng trong cuộc sống không bao giờ bạn sống mà thiếu nó, chẳng qua bạn không biết hay không chịu thừa nhận đó thôi.
Bài viết rất ý nghĩa, cám ơn bạn đã chia sẻ
Trả lờiXóaclick xem thêm Trung tâm gia sư Dĩ An Bình Dương